Diễn biến Biểu tình phản đối Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng

Ngày 9 tháng 6

3h sáng ngày 9 tháng 6, Văn phòng Chính phủ loan tin hoãn Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp. Trả lời RFA, ông Phạm Chí Dũng cho đây là kế hoãn binh nhằm cố gắng dập tắt cuộc biểu tình.[3]

Ngày 10 tháng 6

Ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng TàuThành phố Hồ Chí Minh xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng.[4][5][6][7] Trang Asia Times cho rằng cuộc biểu tình này ngoài việc phản đối Trung Quốc còn thể hiện những vấn đề về dân chủ và nhân quyền, rõ ràng đang ngày càng có nhiều người Việt Nam đặt nghi vấn về tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền.[8] Tuyến đường Quốc lộ 1 tại Phan Rí bị tê liệt, đường ra sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn.[9][10]

Tại Hà Nội, có 40 đến 50 người tập trung tại Hồ Hoàn Kiếm với các biểu ngữ chống Trung Quốc, trong đó có một tấm ghi là "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ trong một ngày". Phóng viên AFP thấy cảnh sát mặc thường phục đã kéo 20 người biểu tình lên xe buýt gần đó.[11]

Tại Đồng Nai, hàng trăm người đã mang theo băng rôn, biểu ngữ đi tuần hành tại một số đường phố ở TP Biên Hòa.[12]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 2000 người đã tập trung biểu tình tại Quận 1 và ít nhất 10 người đã bị bắt.[13] Hàng trăm người tụ tập trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), chân cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và quanh Công viên Hoàng Văn Thụ (giáp ranh quận Phú Nhuận và quận Tân Bình).[10] Will Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt, cũng đã bị giam giữ trong hơn 1 tháng ở TP HCM vì tham gia biểu tình cùng người dân thành phố trong ngày 10/6. Sinh viên Mỹ này sau đó bị trục xuất khỏi Việt Nam sau một phiên xét xử ngày 20/7.[12]

Sau vụ việc, Công an đã tạm giữ hàng loạt người phát tờ rơi kêu gọi người đi biểu tình cũng như người đi biểu tình.[14][15] Tại Hà Nội, những người bị bắt ở Hà Nội đã được thả ra vào cuối giờ chiều ngày 10 tháng 6.[16] Tại Bình Thuận, 102 người đã bị bắt.[17][18]

Đến chiều 10/6, tình hình giao thông ra vào sân bay Tân Sơn Nhất đã thông thoáng trở lại.[19]

Từ ngày 8 tháng 6 đến ngày 10 tháng 6 năm 2018, những cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng của người Việt ở nước ngoài cũng đã diễn ra ở một số thành phố trên thế giới như ở California (Mỹ), Đài Loan, Nhật Bản.[16]

Ngày 11 tháng 6

Vào 9h sáng ngày 11 tháng 6, hàng loạt công nhân nữ của Công ty Pou Chen Corporation (quận Bình Tân, TPHCM) đã biểu tình trước cổng công ty và hò hét "yêu cầu bỏ Luật Đặc khu".[20]

Tại Bình Thuận, một số người dân bị kích động bao vây, xô ngã cổng và sau đó tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Công an đã dùng vòi rồng, hơi cay để đẩy lùi những người quá khích nhưng bất thành.[21] Đỉnh điểm vào cuối ngày, hàng loạt người dân đã ném gạch đá vào lực lượng chức năng, dùng bom xăng tự chế đốt cháy chốt gác cổng, lao vào đốt cháy một số xe máy trong trụ sở ủy ban.[22] Báo chí trong nước dẫn lời chính quyền cáo buộc người dân "đốt xe công" và "làm nhiều cảnh sát bị thương", trong khi nhiều người biểu tình viết trên mạng xã hội rằng họ bị "vu khống".[23][24]

Từ 0h30 ngày 11 tháng 6, Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã thông xe khi những người tụ tập biểu tình tại khu vực cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa tự giải tán.[18]

Trưa ngày 11 tháng 6, người dân Bình Thuận lại tiếp tục biểu tình trên Quốc lộ 1, khu vực ngã 3 Cầu Nam, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đám đông đã chặn xe, ném đá, tấn công lực lượng công an làm nhiệm vụ tại đây,[25] dồn ép lực lượng cảnh sát cơ động vào bên trong văn phòng, ép cảnh sát phải cởi bỏ quân phục[26], sau đó đập phá gần như toàn bộ tài sản của trụ sở cơ quan Cảnh sát PCCC đóng tại huyện Tuy Phong, đốt cháy 8 ô tô.[27][28] Có ít nhất 20 cảnh sát bị thương phải điều trị.[26]

Vào lúc 20h ngày 11 tháng 6, rất đông người dân đã tụ tập ném đá vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận ngày thứ hai liên tiếp. Khi cảnh sát điều xe đặc chủng phun vòi rồng, những người quá khích mới bỏ chạy.[29]

Đến 22h đêm ngày 11 tháng 6, hàng chục người dân lại tràn vào trụ sở Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Thuận (đóng tại thị trấn Phan Rí Cửa) để đập phá và châm lửa đốt một ôtô tải của cảnh sát đang đỗ trong sân.[29]

Tại Tây Ninh, hàng trăm công nhân ở KCN Chà Là (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) tập trung thành đoàn người tuần hành trên suốt tuyến đường từ KCN này đến Ngã 3 Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.[30]

Cho đến năm 2018, Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, những hành vi kêu gọi biểu tình đều bị cho là trái phép.[31]

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm phát ngôn viên Công an TP HCM, tình trạng nhiều người xuống đường tại TP.HCM trong những ngày qua đã xác định có các thành phần, tổ chức phản động đứng phía sau xúi giục, kích động.[32]

Trưa 11 tháng 6, ông Nguyễn Văn Nhiều - chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Thuận - xác nhận đã tạm giữ khoảng 102 người có hành vi tụ tập, gây rối tại trụ sở UBND tỉnh tối 10-6.[33]

Ngày 16 tháng 6

Liên quan tới các vụ gây rối trật tự an ninh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Công an TP.HCM và công an các quận, huyện đã xử lý tổng cộng 310 người có hành vi vi phạm pháp luật trong đợt tụ tập đông người, quá khích, gây rối trật tự công cộng.

Ngày 15 tháng 6, Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Trương Hữu Lộc (57 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) về hành vi phá rối an ninh. Trong số những người bị tạm giam và bị khởi tố, có một người Mỹ gốc Việt, Nguyễn William Anh (sinh năm 1985, quốc tịch Mỹ, là du học sinh tại Singapore) về hành vi gây rối trật tự công cộng.[34][35]

Chiều ngày 16 tháng 6, Công an TP.HCM tạm giữ 3 đối tượng giả danh công an, trong đó có đối tượng Nguyễn Hồng Thái (23 tuổi) để điều tra về hành vi đối tượng này mặc sắc phục đóng giả công an trà trộn vào nhóm tụ tập đông người tại công viên Tao Đàn, quận 1 vào sáng cùng ngày.[36][37]

Ngày 17 tháng 6

Tại Quỳnh Lưu, Nghệ AnThạch Hà, Hà Tĩnh hàng nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành ôn hòa kéo dài 2 giờ đồng hồ để phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng.[38][39][40] Những cuộc biểu tình ở các địa phương này đều do các giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh như Giáo hạt Can Lộc, Giáo xứ Văn Hạnh, Giáo xứ Song Ngọc... tổ chức.

An ninh được thắt chặt tại hàng loạt thành phố chính của Việt Nam. Tại TPHCM, biểu tình không diễn ra, nhưng hàng trăm người đã bị công an bắt vì nghi ngờ đi biểu tình tại Sân vận động Tao Đàn ở Quận 1 và Công viên Hoàng Văn Thụ ở Quận Tân Bình.[41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình phản đối Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng http://www.atimes.com/article/vietnam-protests-big... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180610-viet-nam-bieu-t... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180611-dan-viet-nam-bi... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180617-viet-nam-hang-n... http://www.thesundaily.my/news/2018/06/10/vietnam-... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/06/1... http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hay-the-hie... http://www.baogiaothong.vn/duong-vao-tan-son-nhat-... http://www.baogiaothong.vn/tu-vu-luat-dac-khu-bi-p... http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/bat-giu-n...